Cách đây khoảng hai chục năm, trái thị sáp được bán với giá siêu rẻ, chỉ 1.000 – 2.000 đồng/chục trái tùy loại. Hầu hết mọi người mua về chợ để chưng trong nhà cho thơm. Khi quả này mềm, cũng có thể gọt vỏ để ăn phần cơm ngọt có chút chát bên trong. Tuy nhiên, hiện nay giá thị sáp ngày càng tăng. Những trái thị sáp tí hon đầu mùa chín vàng, thơm ngọt có giá tới 15.000 đồng/trái vẫn “cháy hàng” ở Hà Nội. Nhiều người ưa thị sáp, tìm và săn lùng khiến loại quả này luôn trong tình trạng cháy hàng.
Table of Contents
Chia sẻ từ người bán thị sáp
Buổi sáng sớm ngày thứ 4, sau khi nhận hàng và chia đều hơn 300 quả thị sáp ra các túi nhỏ theo đơn khách đặt, chị Hoàng Thị Diệu Liên, bán trái cây online ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), khoe: “Chuyến thị hôm nay về nhiều gấp rưỡi chuyến về hôm thứ Hai, nhưng số hàng này vẫn không đủ để trả đơn khách đặt”.
Chị chia sẻ, ở Hà Nội khoảng chục năm trở lại đây những cây thị to dần vắng bóng. Song, vào thời điểm chớm thu thì thị chín vẫn xuất hiện nhiều ở ngõ chợ, hay những xe hàng rong trên phố. Dân buôn đa phần bán thị theo quả, cũng có người bán theo cân.
Thời điểm này, dù đang giữa hè với cái nắng như đổ lửa, nhưng quả thị sáp đã chín điểm. Thế nên, khoảng nửa tháng nay chị Liên bắt đầu gom thị sáp từ các mối về bán theo đơn đã đặt hàng của khách. Thường thì cứ 2-3 ngày chị trả đơn một lần tuỳ vào số lượng thị gom được nhiều hay ít.
Thị đầu mùa có giá cả đắt đỏ
Song, chị cũng phải thừa nhận rằng, vì là thị đầu mùa, hàng khá hiếm nên giá cũng đắt đỏ. Theo đó, nếu vào chính vụ thị sáp như năm ngoái, giá chỉ dao động trong khoảng 5.000-7.000 đồng/quả tuỳ loại, còn bây giờ giá tới 15.000 đồng/quả vẫn “cháy hàng”.
Loại quả này chỉ để ngửi cho thơm chứ ít người ăn nên khách chỉ đặt mua 5-10 quả. Tính từ thứ 2 đến giờ chị đã bán hết 500 quả thị sáp, chị tiết lộ. Song, theo chị Liên, số lượng khách đặt mua từ sáng đến giờ còn khủng hơn. Chỉ chưa đầy một ngày mà lượng thị sáp khách đặt đã lên tới gần 600 quả. “Mọi người đặt mua nhiều vì muốn có thị thơm thắp hương vào ngày mùng 1/6 âm lịch. Do đó, khách ồ ạt đặt. Tôi sợ không gom đủ thị nên đã chốt không nhận thêm đơn của khách nữa”, chị nói.
Chị Đào Thị Bích, đầu mối bán nông sản online ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thừa nhận, dù giá thị đầu mùa khá đắt đỏ nhưng chị vẫn khách vẫn ồ ạt đặt mua. Một tuần, chị gom từ khắp các mối có thị ở Hà Nội, Nam Định,… vẫn không đủ hàng bán.
Thị sáp luôn trong tình trạng khan hiếm
Như tuần trước, chị gom cả bán hết hơn 1.000 quả. Tuần này có ngày mùng 1/6 âm lịch, dự kiến lượng thị bán ra khoảng 1.500 quả. “Khách phải đặt ít nhất 5 quả tôi mới nhận đơn để tiện công ship. Song, đa phần khách đặt 10-15 quả”. Chị nói và cho biết, tầm này đầu mùa, thị chín vàng khá hiếm, nên hàng thường về loại chín bánh tẻ – kiểu hanh hanh nửa vàng nửa xanh, khách mua về để 1-2 ngày sau sẽ chín vàng ươm, thơm ngào ngạt và cũng để được lâu hơn.
Bày một giỏ thị trong phòng khách, sau đó lấy len đan 2 chiếc giỏ đựng thị treo trong phòng ngủ để lan toả mùi thơm khắp nhà, chị Vũ Kim Lê ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Hai chục thị sáp hết tròn 300.000 đồng. Giá tương đối đắt đỏ nhưng đầu mùa được ngửi mùi thị thơm cảm giác rất dễ chịu”.
Thời điểm này, thị bắt đầu vào mùa chín rộ. Trên “chợ mạng” hay tại các khu chợ dân sinh, hàng rong trên phố lác đác xuất hiện những hàng bán thị sáp (loại thị quả nhỏ), thị muộn (quả to tròn). Thế nhưng, để mua được loại quả gợi nhớ về một thời tuổi thơ này, người dân Hà Nội phải chi ra 80.000-200.000 đồng cho mỗi 1kg thị.
Thu lãi cao nhờ bán thị
“Thị sáp này tôi bán theo cân, giá 80.000 đồng/kg. Khách đặt mua mình sẽ ship tận nơi, mua dưới 1kg thì tôi từ chối bán”. Chị cho hay, thị sáp gom mua rất khó, tuần trước chị chỉ gom được khoảng 1,5 tạ. Không đủ hàng để trả khách đặt, tuần này lượng thị gom về được nhiều hơn. Như hôm qua và hôm nay hàng về đều, mỗi ngày được 40-50kg; chị bán đến tầm đầu giờ chiều là hết hàng.
Chị Ánh tiết lộ, với các loại trái cây, nếu vào mùa lượng hàng bán ra lên tới cả tạ, thậm chí 2 tạ mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng thị bán lại không được nhiều như vậy vì còn phụ thuộc vào nguồn hàng. Song đổi lại, giá thị khá đắt đỏ, hàng hút khách mua nên 2 ngày hôm nay chị có thể thu lãi từ 1-2 triệu đồng.
>> Xem thêm các tin tức về Thị trường hàng hóa
Thị sáp và hồi ức tuổi thơ
Chị Lê nhớ lại ngày còn bé, vào mùa thị chín chỉ vài ngàn đồng một chục thị. Mẹ đi chợ mua về rồi đan giỏ len, mỗi giỏ đựng 1-2 quả thị chín vàng cho bọn chị xách đi chơi. Thi thoảng đưa lên mũi hít hà hương thơm. Buổi tối giỏ thị được treo ở đầu giường. Một giỏ thị như vậy chơi từ lúc quả còn ương rồi héo chín, cho đến khi vỏ xuất hiện những vết đồi mồi (quả thị chín và có hương thơm sâu nhất) cũng được cả tuần.
“Giờ mua thị chơi là để nhớ về ký ức ngày còn nhỏ, cũng là để thưởng thức hương thơm tự nhiên từ cây cỏ thay cho mấy mùi hương công nghiệp. Thế nên, vào mỗi mùa thị chín, tôi cứ mua hết mẻ thị này tới mẻ thị khác”, chị nói.