Trong xây dựng, Chủ đầu tư cần có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để xây dựng nhà mới/di dời công trình/ hoặc tân trang, sửa chữa lại. Đây là một loại văn bản pháp lý bắt buộc trước khi xây nhà, trừ một số trường hợp được miễn phép xây dựng. Bao gồm: xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực vùng sâu, vùng xa thuộc những nơi chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn; không làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài của công trình đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị trong nhà.
Bản vẽ xin phép xây dựng là một trong những loại giấy tờ cần có cho việc cấp giấy phép xây dựng. Vậy thuật ngữ “bản vẽ xin phép xây dựng” được hiểu như thế nào? Thông qua bản vẽ đó, cơ quan có thẩm quyền có xem xét và đưa ra quyết định cấp giấy phép xây dựng hay không?
Table of Contents
Thế nào là bản vẽ xin giấy phép xây dựng?
Bản vẽ xin phép xây dựng là một trong những loại giấy tờ cần thiết trong quá trình xin giấy phép xây dựng. Bản vẽ xin phép xây dựng là bản vẽ mặt bằng vị trí công trình cần thi công trên lô đất. Trong đó chỉ rõ vị trí của công trình và những thông tin cơ bản. Bao gồm: diện tích, chiều cao… mặt đứng và mặt cắt của công trình giúp UBND xã, quận, huyện, thị xã… xem xét và quyết định có cấp phép xây dựng hay không.
Các yếu tố quan trọng thể hiện trong bản vẽ xin phép xây dựng
Sơ đồ vị trí
Sơ đồ vị trí là bản mô phỏng vị trí của khu đất đang cần được xây dựng. Khi thực hiện sơ đồ vị trí cần phải thực hiện đo đạc chính xác vị trí diện tích đất. Đồng thời phải vẽ một cách chính xác tuyệt đối nhất. Bởi vì sơ đồ vị trí cho ta biết được vị trí và diện tích của ngôi nhà, nhà xưởng được đặt ở đâu. Đồng thời có thuộc loại đất được phép xây dựng hay không. Vì thế nếu bản vẽ sơ đồ vị trí được thể hiện qua chênh lệch so với thực tế. Nó sẽ ảnh hưởng trong quá trình vẽ bản vẽ thiết kế chi tiết cho ngôi nhà , nhà xưởng.
Mặt bằng các tầng, mặt bằng móng
Mặt bằng các tầng là bản vẽ thiết kế phác họa cho chúng ta biết được vị trí cách bố trị các phòng của từng tầng một khác nhau. Bên cạnh đó là cách bố trí vị trí nội thất và phối cảnh cho căn nhà một cách hợp lý . Để khi công trình được hoàn thiện, chúng ta sẽ dễ dàng trang trí hoàn thiện ngôi nhà, nhà xưởng hoàn hảo nhất theo bản vẽ.
Mặt bằng móng được xem là một phần khá quan trọng. Vì đây được xem là phần cốt lõi và quan trọng khi xây nhà. Vì thế khi thực hiện bản vẽ cần phải có 1 tỉ lệ kích thước chính xác. Để thông qua kích thước trong bản vẻ chúng ta có thể tính toán được khối lượng bê tông, sắt thép chúng ta cần đổ móng nhà.
Mặt đứng chính và mặt cắt của công trình
Mặt đứng được vẽ theo hình chiếu thẳng góc. Từ đó cho ta biết được bề dáng bên ngoài của căn nhà theo tỷ lệ, hình dáng, kiểu dáng. Mặt đứng bao gồm cả phần mái của ngôi nhà. Khi thực hiện bản vẽ mặt đứng cần được thể hiện chính xác số liệu, tỷ lệ. Bản vẽ phải theo đúng mặt đứng khác nhau của ngôi nhà.
Bản vẽ mặt cắt là bản vẽ được biểu diễn khi cắt qua các mặt phẳng được đặt thẳng đứng vuông góc với mặt đất. Mặt cắt cho chúng ta biết được toàn bộ không gian bên trong của ngôi nhà, có cả phần móng. Bản vẽ mặt cắt cho ta biết được các tỷ lệ về chiều cao nhà; chiều cao giữa các tầng với nhau; các lỗ khung cửa, cầu thang; kích thước các phòng, cầu thang,…Và các vị trí, hình dáng và các bố trí kiến trúc bên trong ngôi nhà.
Lưu ý: Không để mặt phẳng cắt đi qua dọc tường, qua tâm cột hay khoảng cách hở giữa hai nhánh cầu thang.
Bản vẽ mặt bằng đấu nối điện và cấp nước sinh hoạt
Đây là bản vẽ mô tả chi tiết. Thông qua đó, cho chúng ta nhìn thấy được các nguồn điện, đường dây dẫn điện và nguồn cấp cấp nước sinh hoạt cho nhà.
Chi tiết của bản vẽ thể hiện cách bố trí, thông số kỹ thuật, đấu nối các thiết bị điện trong, ngoài nhà: chiếu sáng, điều hòa, chống sét, điện nhẹ, nóng lạnh, nước năng lượng mặt trời,…
Mặt bằng thoát nước mặt và thoát nước thải sinh hoạt
Đây được xem là phần rất quan trọng và khá phức tạp khi thực hiện bản vẽ. Trong bản vẽ người thiết kế bản vẽ cần phải thực hiện đúng theo mặt bằng xây dựng. Đồng thời phải có tỷ lệ chính xác tuyệt đối.
Phần xử lý nước thải trong hộ gia đình và công nghiệp là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Do đó, kiến trúc sư và kỹ sư cần thực hiện một cách chi tiết, tỉ mỉ và chính xác. Qua đó, đội lao động thi công có thể thực hiện nhanh chóng và chính xác.
Quy trình xin cấp giấy phép xây dựng
Các bước xin giấy phép xây dựng bao gồm:
Bước 1 : Lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng
Bước 2 : Nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng tại cơ quan cấp phép xây dựng
Bước 3 : Cơ quan cấp phép tiến hành kiểm tra hồ sơ
Nếu hồ sơ hợp lệ thì cơ quan cấp giấy phép sẽ ghi biên bản và hẹn ngày khảo sát. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thì cơ quan cấp giấy phép sẽ trả hồ sơ về hoặc hướng dẫn người đề nghị hoàn thành thủ tục.
Bước 4 : Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời đóng dấu bản vẽ và cấp giấy phép xây dựng.
Bước 5: Trước khi khởi công 7 ngày, chủ nhà gửi thông báo khởi công đến cơ quan cấp giấy phép và UBND phường /xã.